Lòng tự trọng thể hiện giá trị của bản thân mỗi người, từ đó giúp họ được tôn trọng và đánh giá cao trong mắt người khác. Nó là thứ được chính bản thân con người nuôi dưỡng, hình thành và thể hiện. Đây là đức tính tốt, có ý nghĩa thúc đẩy con người phát triển theo hướng tích cực.
Lòng tự trọng là gì?
Lòng tự trọng được hiểu đơn giản là sự coi trọng danh dự, phẩm chất và tư cách của chính bản thân. Tự bản thân nhận thấy được giá trị trong con người mình. Tự trọng và tự tôn cũng khá giống nhau, bản thân mỗi người cần biết được giá trị của bản thân mình như thế nào để không đánh mất tự trọng.
Mất đi tự trọng bạn sẽ mất rất nhiều thứ, nguy hiểm nhất là mất luôn cả giá trị chính mình. Từ đó sẽ không thể thể hiện chất lượng trong năng lực, quyết định cũng như tiếng nói đối với người khác.
Người có tự trọng là luôn biết giá trị thật sự của chính mình. Họ biết mình là ai, mình có những gì và tự hào về điều gì, họ sẽ không để mọi người xâm phạm đến những điều ấy. Tự trọng mang đến giá trị thể hiện cho bản thân cũng như được mọi người xung quanh đánh giá cao.
Người có tự trọng sẽ biết bảo vệ sự tự tôn của mình, họ bảo vệ cho quyền và lợi ích của bản thân, không để người khác xâm phạm. Người có tự trọng sẽ không làm những thứ đi ngược với lương tâm con người. Bản thân họ mang những nhận thức chuẩn mực và đúng đắn để thể hiện trong cuộc sống.
2 cấp bậc của lòng tự trọng là gì?
Lòng tự trọng của con người được chia ra làm 2 cấp bậc rõ ràng đó chính là tự trọng thấp và tự trọng cao. Hay còn được hiểu là người có tự trọng và người không có tự trọng, những người này mang đến cư xử và mức độ điều chỉnh hành vi khác nhau.
Hầu hết những người có tự trọng thấp luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng tiêu cực, phiến diện. Họ nghĩ rằng những thứ đang xảy ra không quan trọng với họ thế nên họ có cách cư xử, suy nghĩ làm mất đi giá trị của bản thân.
Ngược lại với những người tự trọng thấp, người có tự trọng cao sẽ không bao giờ coi rẻ giá trị bản thân vì bất kỳ điều gì. Họ luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực, đưa ra các quyết định cũng như chủ động bảo vệ lợi ích của mình một cách tốt nhất. Mọi suy nghĩ và hành động của họ đều cho thấy họ là người liêm khiết, chính trực và dám làm dám nhận.
Dù quá khứ hay hiện tại, dù ở thời đại nào thì lòng tự trọng vẫn luôn được đề cao, là đức tính cần thiết của mỗi con người. Có tự trọng thì mới biết cách đối nhân xử thế, biết mình cần làm gì và muốn làm gì. Có tự trọng mới biết phân biệt đúng – sai, phải – trái và ngăn chặn bản thân làm những việc trái với lương tâm.
Biểu hiện của lòng tự trọng
Trong cuộc sống, tự trọng luôn được hiện hữu trong mọi hoạt động thường ngày, trong những việc to lớn và thậm chí là qua những hành động rất nhỏ. Nó được phản ánh trong từng suy nghĩ, hành vi mà con người thực hiện. Qua đó phản ánh tư tưởng, nhu cầu và quyết định của họ đối với sự vật, mọi người xung quanh.
Biểu hiện của lòng tự trọng
Chúng ta có thể nhận biết lòng tự trọng qua những biểu hiện đơn giản trong cuộc sống, điển hình như:
- Luôn cố gắng hoàn thành công việc mình một cách tốt nhất, chịu trách nhiệm bằng chính năng lực của bản thân. Thể hiện trình độ chuyên môn, đảm nhận công việc với tinh thần lắng nghe, tiếp thu và hoàn thành tốt công việc.
- Sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm và sửa lỗi khi có vấn đề xảy ra. Không bao giờ đổ lỗi cho người khác để phủ nhận sai sót do bản thân mình gây ra. Họ biết được rằng phải để bản thân xác định được thực lực và nhìn nhận so với mặt bằng xung quanh thì mới có thể phát triển được.
- Tự nhận ra lỗi lầm của bản thân và chú ý lắng nghe góp ý, phê bình của người khác với thái độ cầu tiến.
- Người tự trọng đa phần đều sống nhã nhặn, chan hòa vui vẻ với người khác. Họ ý thức được rằng tôn trọng người khác là tôn trọng chính bản thân mình.
- Người có lòng tự trọng càng cao thì càng có chứng kiến, kiên định với định hướng, mục tiêu của bản thân đã đặt ra. Và dĩ nhiên họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tiêu cực.
- Ngoài ra, tự trọng còn được thể hiện trong những hành động nhỏ nhặt khác như: không tham tiền bạc, thứ có giá trị không thuộc về mình, nhặt được của rơi trả lại cho người mất. Khi lỡ làm ảnh hưởng đến người khác thì liền xin lỗi, hỏi han,..
Một vài biểu hiện của người thiếu lòng tự trọng
Lòng tự trọng không chỉ là phẩm chất tạo nên giá trị cho mỗi con người mà còn tác động mạnh đến toàn xã hội. Bên cạnh những người có tự trọng cao thì trong cuộc sống hiện nay vẫn có những người hoàn toàn trái ngược lại.
Dưới đây là những biểu hiện thể hiện rõ nhất sự thiếu tự trọng:
- Học sinh tìm cách quay cóp trong kỳ thi, sinh viên chép lại luận văn của người khác để nộp cho kỳ thi tốt nghiệp.
- Đèn đỏ nhưng vẫn có những người cố tình vượt qua hay những người cố tình đi ngược chiều để đến địa điểm nhanh hơn. Chạy xe lên vỉa hè hay làn đường dành riêng cho người đi bộ.
- Đi làm nhưng lại bỏ trốn ra chỗ khác để làm việc riêng, chơi điện thoại, trò chuyện với nhau hàng giờ mặc dù không phải giờ giải lao.
- Vứt rác bừa bãi, không biết giữ gìn tài sản công cộng, không tuân theo quy tắc cộng động, cố tình làm ảnh hướng đến người khác.
Vì sao nên có lòng tự trọng?
Tự trọng là điều mà bất cứ ai cũng cần phải có, nó là một đức tính cần thiết để giúp con người ta trở nên tự tin hơn và có nhiều năng lượng hơn mỗi ngày. Sẽ thật tốt khi bạn được sống với chính mình mà không vướng bận, không ganh đua, không ghen ghét bất cứ ai.
Dĩ nhiên, những người có tự trọng, họ sẽ nhận lại được sự tôn trọng của người khác. Khi bản thân có tự trọng thì đương nhiên họ sẽ nhận lại được sự yêu thương, quan tâm từ người khác một cách chân thành. Tự trọng cao chính là thứ giúp con người có động lực để vượt qua những khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt mục tiêu.
Nếu không có tự trọng, bạn sẽ dần bị mọi người xung quanh xa lánh, bạn phải sống trong sự cô lập với xã hội và điều đó dẫn đến kết quả là bạn sẽ không thể tồn tại được. Vì thế hãy xây dựng cho bản thân tính tự trọng cao, nó sẽ giúp bạn có được những mối liên kết lâu dài và bền chặt.
Một điều nữa đó là khi bạn giữ được lòng tự trọng thì mọi thứ bạn làm đều trở nên có giá trị hơn, chứng minh rằng bạn đang sống đúng với bản thân mình. Ngoài ra sự tự trọng còn giúp bạn vượt qua những cám dỗ trong cuộc sống, mách bảo bạn không nên làm điều sai trái với lương tâm.
Làm thế nào để nâng cao lòng tự trọng của bản thân?
Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của tự trọng với bản thân mỗi người. Vì thế hãy học cách bồi đắp, nâng cao lòng tự trọng của mình để từ đó có thể nâng cao giá trị của bản thân. Để bồi đắp và nâng cao tính tự trọng, bạn cần:
Suy nghĩ chín chắn, tin tưởng vào bản thân mình
Đối với từng vấn đề, bạn cần phải học cách suy nghĩ sâu sắc, chín chắn và không vội vàng để có thể đưa ra những kết luận đúng đắn nhất và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Không nên lúc nào cũng cậy nhờ, phụ thuộc quá nhiều vào sự giúp đỡ của người khác.
Điều quan trọng là học cách suy nghĩ tích cực, tin tưởng vào bản thân. Từ đó mới có động lực để cố gắng, nỗ lực nhiều hơn và dần tiến bộ. Không nên suy nghĩ những điều tiêu cực, nhất là những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
Quan tâm, giúp đỡ mọi người
Quan tâm, giúp đỡ mọi người là một việc làm tốt và chắc chắn là bạn sẽ nhận được sự yêu thương, quý mến từ mọi người. Điều đó giúp bản thân vui vẻ và có động lực hơn để làm những việc ý nghĩa tương tự.
Khi bạn được ai đó nhờ giúp đỡ, đừng phàn nàn hay khó chịu mà hãy giúp đỡ họ hết mình. Nếu bạn được người khác nhờ cậy, thì đó cũng là một năng lực, bởi điều đó chứng minh bạn là người đáng tin tưởng và có năng lực.
Không ngừng cố gắng, nghiêm khắc, kỷ luật với bản thân
Hãy cố gắng, nỗ lực hết mình để khẳng định bản thân, để người khác nhìn vào những thành quả và ngưỡng mộ bạn. Nghiêm khắc, kỷ luật với chính bản thân mình để luôn tỉnh táo trong mọi vấn đề, không sa ngã trước những cạm bẫy, cám dỗ. Không dễ dàng bán rẻ lương tâm, danh dự, phẩm giá của mình vì những thứ danh vọng, vật chất hào nhoáng ngoài xã hội.
Phân biệt tự trọng và tự ái
Nhiều người hay bị nhầm lẫn giữa tự trọng và tự ái vì chúng có một vài khá giống nhau. Tuy nhiên, về bản chất thì tự trọng và tự ái hoàn toàn khác nhau.
Tự trọng là biết tôn trọng, bảo vệ danh dự của cá nhân mình. Biết làm chủ nhu cầu bản thân, kiềm chế được những ham muốn không chính đáng và cố gắng tuân theo các quy tắc, các chuẩn mực đạo đức tiến bộ của xã hội. Người tự trọng biết tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người khác.
Còn tự ái lại là quá nghĩ đến bản thân, đề cao cái tôi quá mức nên họ có thái độ bực tức, giận dỗi khi nghĩ rằng mình bị đánh giá thấp hay bị coi thường. Người tự ái thường không muốn bị ai phê phán cũng như khuyên bảo mình, họ dễ có thái độ bực tức. Khi tự ái thì dễ có những phản ứng thiếu sáng suốt, dễ rơi vào sai lầm.
Kết luận
Với những thông tin về lòng tự trọng trên đây, chắc hẳn các bạn cũng đã hiểu đức tính quan trọng này là gì. Hãy cố gắng xây dựng cho mình tính tự trọng cao để phát triển bản thân tốt hơn mỗi ngày nhé.